1. mlawkey

    mlawkeyThành Viên Cấp 1

    Tham gia ngày:
    31 Tháng năm 2019
    Bài viết:
    81

    Toàn Quốc Vai trò của Sở giao dịch chứng khoán

    Thảo luận trong 'Linh tinh' bắt đầu bởi mlawkey, 28 Tháng ba 2020.

    Vai trò của Sở giao dịch chứng khoán

    Luật chứng khoán 2006 quy định về vai trò của Sở giao dịch chứng khoán như sau:

    Trước hết, SGDCK có vai trò là một loại thị trường thứ cấp, là một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể của thị trường chứng khoán hoàn chỉnh. Sau khi chứng khoán được phát hành trên thị trường sơ cấp, chứng khoán sẽ được giao dịch trên thị trường thứ cấp tập trung (nếu đủ tiêu chuẩn niêm yết). Trên thị trường thứ cấp, giao dịch chứng khoán được thực hiện, tiền bán chứng khoán thuộc về nhà đầu tư và nhà kinh doanh chứ không thuộc về công ty phát hành. Trong SGDCK, chứng khoán được tạo tính thanh khoản qua việc mua bán chuyển nhượng chứng khoán và qua đó giúp thị trường phát hành hoạt động hiệu quả. Quan hệ giữa hai thị trường này là mối quan hệ nội tại, trong đó thị trường sơ cấp là tiền đề và thị trường thứ cấp (Sở giao dịch chứng khoán) là động lực. Nếu không có thị trường phát hành sẽ không ra đời thị trường thứ cấp và ngược lại không có thị trường thứ cấp thì thị trường sơ cấp sẽ không hoạt động hiệu quả. Do đó có thể nói SGDCK là bộ phận hữu cơ không thể thiếu của thị trường chứng khoán.

    Vai trò thứ hai, như đã đề cập ở trên, SGDCK thông qua hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán đã tạo tính thanh khoản cho chứng khoán. Tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của chứng khoán. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể chuyển đổi chứng khoán mà họ sở hữu thành tiền mặt khi họ muốn. Điều này đảm bảo tính linh hoạt và an toàn khi đầu tư. SGDCK càng hoạt động sôi nổi và hiệu quả bao nhiêu thì càng làm tăng tính thanh khoản bấy nhiêu.

    Vai trò thứ ba,SGDCK huy động vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng vốn linh hoạt và hiệu quả. SGDCK không làm tăng nguồn vốn của nền kinh tế nhưng nhờ có nó mà thị trường phát hành có thể huy động được vốn cho các chủ thể phát hành chứng khoán. Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán, số tiền nhàn rỗi của họ được chuyển đến nhà phát hành một cách gián tiếp. Như vậy, nhà phát hành đã huy động được vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Phương thức này được gọi là phương thức vay vốn qua phát hành của doanh nghiệp. Mặt khác, thị trường chứng buộc các doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh qua đó công chúng có cơ hội đánh giá khả năng kinh doanh của doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư. Nhà đầu tư chỉ mua những chứng khoán của các công ty làm ăn có lợi nhuận. Vì vậy muốn tồn tại được và thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành chứng khoán phải sử dụng đồng vốn có hiệu quả nhất.

    Vai trò thứ tư, SGDCK khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi có hiệu quả, là một trong những môi trường giúp kích thích, tiết kiệm đầu tư. SGDCK là nơi nhà đầu tư có thể kiếm lời từ chênh lệch giá, ẩn chứa rủi ro lớn nhưng lợi nhuận đem lại rất cao. Hơn nữa, SGDCK là môi trường đầu tư lành mạnh, được bảo đảm bằng pháp luật và cả sự bảo hộ của nhà nước (ở một số nước có SGDCK phát triển). Các cơ hội đầu tư trên SGDCK rất phong phú với nhiều loại hàng hóa được giao dịch, khuyến khích mạnh mẽ dân chúng (nhà đầu tư cá nhân và tổ chức) sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của họ vào thị trường qua hình thức đầu tư. Điều này cũng giúp vốn đầu tư cho nền kinh tế được vận chuyển một cách hợp lý và hiệu quả từ nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn và SGDCK là kênh điều hòa các nguồn vốn đó, giải quyết linh hoạt nhu cầu về vốn giữa các vùng kinh tế, các thành phần kinh tế.

    Vai trò thứ năm, SGDCK phản ánh tình hình doanh nghiệp và trạng thái vĩ mô của nền kinh tế. Thông thường, các chỉ số chứng khoán phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp mà dựa vào đó các nhà đầu tư có thể xác định được hiệu quả của việc đầu tư vào cổ phiếu hoặc một danh mục đầu tư chứng khoán mà họ lựa chọn. Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của doanh nghiệp được phản ánh một cách tổng hợp và chính xác. Thị giá cao hay thấp của chứng khoán biểu hiện mức độ đầu tư tài chính, trạng thái kinh tế, đặc biệt là mức độ cổ tức. Thông thường, cổ phiếu có cổ tức cao thì có giá trị thị trường cao và chỉ có các doanh nghiệp làm ăn tốt, hiệu quả sử dụng vốn cao mới có khả năng trả lợi tức cổ phần cao. Tuy nhiên, cũng có những cổ phiếu có cổ tức thấp, khiêm tốn nhưng giá trị thị trường vẫn cao vì đó là những doanh nghiệp có triển vọng trong tương lai. Do vậy, có thể nói SGDCK cũng có chức năng dự báo tình hình phát triển tương lai của doanh nghiệp.

    Qua việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, các chỉ báo trên SGDCK phản ánh trạng thái của nền kinh tế, cung cấp sự đánh giá hữu ích với nhận thức thị trường, dự báo xu hướng cung cầu của chứng khoán trên thị trường. Giá chứng khoán tăng cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng và ngược lại. Vì thế, có thể coi thị trường chứng khoán là công cụ quan trọng trong việc dự báo tình hình kinh tế, là công cụ giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.

    Trên đây là nội dung về vai trò của Sở giao dịch chứng khoán. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn về thủ tục thành lập công ty xin vui lòng liên hệ về Công ty TNHH Tư vấn Luật LawKey Việt Nam để được tư vấn một cách chuyên nghiệp nhất.
     

Chia sẻ trang này