Khi Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) đã cấp có thông tin bị sai sót thì người được cấp Sổ đỏ chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo thủ tục đính chính Sổ đỏ. Vậy cụ thể thế nào? Cùng theo dõi tại bài viết dưới đây. >>> Xem thêm: Làm sổ đỏ bao nhiêu tiền 1m2 năm 2024? Phí làm sổ đỏ đất thổ cư hết bao nhiêu tiền ?1. Khi nào phải đính chính Sổ đỏ?Theo Khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau: - Có sai sót thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính. - Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.2. Hồ sơ, thủ tục đính chính Sổ đỏ Căn cứ Điều 45 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ và thủ tục thực hiện đính chính Sổ đỏ được quy định tùy theo từng trường hợp, cụ thể như sau: * Trường hợp 1: Cơ quan thẩm quyền phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót: Trong trường hợp này, trình tự thực hiện như sau: Bước 1: Cơ quan thẩm quyền thông báo cho người được cấp và đề nghị nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận để đính chính. Bước 2: Người được cấp Giấy chứng nhận nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận. * Trường hợp 2: Người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận được cấp lần đầu có sai sót: Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ Nếu người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận được cấp lần đầu có sai sót thì chuẩn bị hồ sơ gồm có: - Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK được ban hành kèm Nghị định 101/2024/NĐ-CP. - Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. - Giấy tờ chứng minh sai sót thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đề nghị đính chính/sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp. - Văn bản uỷ quyền (nếu thực hiện thủ tục thông qua người đại diện). Bước 2: Nộp hồ sơ. Người sử dụng đất nộp đầy đủ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, cụ thể là: - Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện, xã. - Văn phòng đăng ký đất đai (“VPĐKĐĐ”). - Chi nhánh VPĐKĐĐ. Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan có chức năng quản lý về đất đai. Bước 4: Giải quyết hồ sơ. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai thực hiện các công việc sau: - Thông báo cho VPĐKĐĐ chuyển hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho cơ quan có chức năng quản lý về đất đai. - Kiểm tra hồ sơ và lập biên bản kết luận về nội dung, nguyên nhân sai sót. - Trình cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung đính chính trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận. - Chuyển hồ sơ đến VPĐKĐĐ để thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. (Căn cứ khoản 3 Điều 45 Nghị định 101/2024/NĐ-CP). Bước 5: Trao kết quả. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trao Giấy chứng nhận hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp. >>> Xem thêm: Cần lưu ý những gì trước khi công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán xe ô tô * Trường hợp 3: Người được cấp Giấy chứng nhận phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất có sai sót: Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ Tương tự như đối với Trường hợp 2. Bước 2: Nộp hồ sơ. Người sử dụng đất nộp đầy đủ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ tương tự như đối với Trường hợp 2. Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan có chức năng quản lý về đất đai. Bước 4: Giải quyết hồ sơ. VPĐKĐĐ thực hiện các công việc sau: - Kiểm tra, lập biên bản kết luận về nội dung, nguyên nhân sai sót. - Xác nhận nội dung đính chính trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận. - Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. (Căn cứ khoản 4 Điều 45 Nghị định 101/2024/NĐ-CP). Bước 5: Trao kết quả. VPĐKĐĐ trao Giấy chứng nhận hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp. - Thời gian thực hiện thủ tục đính chính: Theo khoản 8 và khoản 10 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian thực hiện đính chính Giấy chứng nhận đã cấp là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian trên không tính thời gian cơ quan thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý trường hợp đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thời gian để thực hiện thủ tục chia thừa kế,.... Đối với các xã ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thì tăng thêm 10 ngày làm việc. >>> Xem thêm: Chính chủ bán nhà quận Đống Đa vị trí đẹp thuận lợi kinh doanh, trung tâm thành phố thuận tiện đi lại Như vậy, để sửa thông tin bị sai trên Sổ đỏ đã cấp chỉ cần thực hiện theo thủ tục đính chính Sổ đỏ như hướng dẫn trên. Ngoài ra, nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ pháp lý, quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ theo thông tin:MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀ Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà NộiHotline : 0966.22.7979 Email: ccnguyenhue165@gmail.com