Khởi nghiệp từ xe nước mía Trong hàng vạn doanh nhân VN hiện nay, nhiều người khởi nghiệp từ con số không. Đam mê làm kinh tế, chấp nhận mạo hiểm, sẵn sàng vật lộn với thương trường, sống đầy trách nhiệm với người lao động và cộng đồng... là những tính cách chung điển hình của họ Chưa bao giờ Võ Tấn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát - TPHCM, bán nước mía. Nhưng bảo rằng ông khởi nghiệp từ xe nước mía vẫn không sai. Những chiếc xe nước mía ra đời từ cơ sở nhỏ của gia đình cách nay gần 30 năm đã giúp ông làm quen với việc kinh doanh trước khi một mình xoay xở giữa thương trường. Bằng vẻ chân tình, giám đốc Công ty Thịnh Phát không ngần ngại bộc bạch về quá khứ cơ cực, động lực thôi thúc ông luôn cố vươn lên.Tích vốn đầu tiên: Chữ tín Gốc người miền Trung, sinh ra và lớn lên giữa Sài Gòn, ngay từ nhỏ, Võ Tấn Thịnh đã quen chịu thương, chịu khó. Thương cha vất vả với nghề mộc kiếm miếng cơm cho cả gia đình, từ thuở đi học, Thịnh đã là một thợ phụ đắc lực cho ông. Ở tuổi 18, khi bạn bè đồng trang lứa vẫn còn sống vô tư dưới sự bảo bọc của gia đình, Thịnh đã sớm bươn chải kiếm sống. Từ sáng sớm đến lúc TP lên đèn, chàng trai Võ Tấn Thịnh miệt mài làm việc quên cả thời gian trong cái xưởng nhỏ chuyên sản xuất xe nước mía để kịp giao hàng cho khách. Ngay từ lúc ấy, chữ tín đã được Thịnh chú trọng đặt lên hàng đầu. Nhờ giữ vững chữ tín ấy, từ năm 2002 đến nay đã mang về cho giám đốc Công ty Thịnh Phát vô số danh hiệu cá nhân, đưa Võ Tấn Thịnh trở thành doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2005; đem lại cho công ty hàng loạt bằng khen, huy chương, giải thưởng tại không ít hội chợ quốc tế. Tuổi trẻ luôn thích thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thế nên gia đình không ngạc nhiên khi Võ Tấn Thịnh đột ngột giã từ công việc đóng xe nước mía. Năm 1985, ông về làm thợ chính của cơ sở Thịnh Phát chuyên sản xuất bông cửa sổ, cửa chính từ phế liệu. Quá trình vừa làm thợ chính vừa quản lý không chỉ giúp tích cóp dần chút ít vốn liếng, mà còn tạo điều kiện cho ông tiếp thu nhiều bài học từ thực tiễn cuộc sống, như: cách thức kinh doanh, phương pháp quản lý và tổ chức…Quyết định liều mình Năm 1987, khi cảm thấy đã đủ lông đủ cánh, với số vốn ít ỏi dành dụm được, cộng với sự giúp đỡ của gia đình, Võ Tấn Thịnh liều mình đứng ra làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dây và cáp điện Thịnh Phát. Để đi đến quyết định này, ông đã trăn trở, suy tư suốt thời gian dài. Chọn mặt hàng dây và cáp điện để sản xuất, kinh doanh đồng nghĩa với việc chấp nhận gánh luôn trách nhiệm về độ an toàn của sản phẩm đối với sinh mệnh con người. Sau 10 năm hoạt động, năm 1997, cơ sở Thịnh Phát của doanh nhân trẻ Võ Tấn Thịnh đã được nâng tầm, thành Công ty TNHH Thịnh Phát. Từ một cơ sở sản xuất mang tầm gia đình với lèo tèo vài nhân viên, đến nay, qua lắm thăng trầm, tổng số lao động của Thịnh Phát đã vượt qua con số 250, tổng vốn đầu tư đạt hơn 250 tỉ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt từ 40%-62%/năm. Ngoài ra, cách nay 3 năm, công ty còn đầu tư hơn 130 tỉ đồng vào dự án KCN Thịnh Phát đặt tại Long An, dự kiến rộng khoảng 230 ha. Theo lời một nhân viên bảo vệ công ty, Thịnh Phát bây giờ đã lớn gấp 10 lần Thịnh Phát ngày anh mới vào công ty cách nay 6 năm.Chăm chút nhân viên Thấm thía cái nghèo, cái khổ từ những ngày làm thợ nên lợi nhuận từ công việc kinh doanh đều được giám đốc Võ Tấn Thịnh tập trung chăm lo cho người lao động, bởi “họ chính là những người trực tiếp làm ra sản phẩm”. Thu nhập của người lao động trong công ty ông không ngừng tăng theo thời gian, hiện bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông quan niệm, thu nhập có ổn định và tương xứng với sức lao động đã bỏ ra thì người lao động mới yêu thích, toàn tâm toàn ý cho công việc. Từ chủ cơ sở lên giám đốc một công ty TNHH, khoảng cách không hề nhỏ. Quy mô lớn hơn đồng nghĩa với việc giám đốc ngày càng phải chuyên nghiệp hơn. Biết vậy nên ông lao vào học ngoại ngữ, tin học... như để bù đắp quãng thời gian phải vùi đầu vì miếng cơm, manh áo trước kia. Từ năm 1996 đến nay, ông kiên trì theo đuổi không ít khóa huấn luyện trong và ngoài nước về công tác quản lý, xây dựng thương hiệu. Dẫu vậy, ông luôn tâm niệm: Bao nhiêu bằng cấp cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu những việc làm của mình đi ngược lại lợi ích của nhân viên lẫn khách hàng. Mỗi ngày, trên đường từ nhà đến công ty, ông đều tranh thủ điểm qua các báo. Ông đặc biệt quan tâm, ngoài những tin tức xã hội đề cập đến những hoàn cảnh không may là các trang quảng cáo. Thấy khóa huấn luyện nghiệp vụ nào hay và thiết thực, ông liền vận động anh em theo học bằng kinh phí công ty. Không ít lần ông còn mạnh dạn mời cả chuyên gia nước ngoài về huấn luyện hoặc đưa nhân viên xuất ngoại học tập. “Những khóa học ấy không chỉ nâng cao kiến thức cho nhân viên mà công ty cũng được lợi, bởi vì lợi ích của người lao động không thể tách rời lợi ích của công ty. Thành công của Thịnh Phát hôm nay là thành quả của cả tập thể”, ông hãnh diện. Sự ham học của ông đã truyền sang nhân viên. Anh Trương Cao Cường, Trưởng Phòng Hành chánh - Nhân sự Công ty Thịnh Phát, cho biết: “Hai bài học lớn nhất tôi học được từ giám đốc của mình là tinh thần cầu tiến và thái độ sống có trách nhiệm với cộng đồng”.Giám đốc Võ Tấn Thịnh (thứ hai, bên trái qua) tại xưởng sản xuấtChia sẻ với người nghèo Tên tuổi giám đốc Võ Tấn Thịnh và Công ty Thịnh Phát không chỉ được biết đến nhiều qua sản phẩm dây và cáp điện, mà còn gắn liền với hàng loạt hoạt động vì cộng đồng tại nhiều tỉnh, TP. Cái nghèo ở nhiều vùng đất mà dây và cáp điện của Thịnh Phát kéo qua luôn khiến ông nhói lòng, thôi thúc ông phải làm điều gì đó. Nhờ sự vận động của giám đốc, Quỹ Ủng hộ cộng đồng của Công ty Thịnh Phát ra đời, với kinh phí hoạt động là 0,5% lương tháng của mỗi CB- CNV công ty. Những căn nhà tình nghĩa, tình thương cho đồng bào các địa phương lân cận thành hình từ đó. Những đoạn đường lầy lội ở nhiều vùng quê được nâng cấp, những phần quà cứu trợ các số phận bất hạnh hay giúp đỡ đồng bào bị thiên tai trên khắp đất nước... tất thảy đều khởi nguồn từ đó. “Những gì làm được tuy không đáng kể nhưng nó khiế...